Luật Tài Nguyên thường xuyên nhận được các câu hỏi liên quan tới các vấn đề sau khi ly hôn. Trong bài viết này, chúng tôi xin giải đáp về vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn!
1. Câu hỏi của khách hàng về thay đổi mức cấp dưỡng sau khi ly hôn
Kính chào Luật Tài Nguyên, tôi có một câu hỏi, rất mong được Luật sư giải đáp:
Tôi và vợ cũ đã ly hôn được 5 năm. Con gái tôi hiện đã 9 tuổi. Khi ly hôn, Tòa án xử cho vợ tôi có quyền nuôi con. Khi đó, tôi và vợ cũ thỏa thuận về mức cấp dưỡng cho con là 5 triệu đồng một tháng. Gần đây, công việc làm ăn của tôi không thuận lợi, có nguy cơ phá sản. Do đó, với mức cấp dưỡng như thế, tôi không thể chi trả được. Tôi muốn hỏi Luật sư theo pháp luật thì tôi có thể giảm mức cấp dưỡng cho con không?
Rất mong Luật sư sớm giải đáp câu hỏi của tôi!
2. Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi về thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình
3. Giải quyết vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Xác đinh mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Theo quy định của pháp luật, cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ bắt buộc đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy, khi thực hiện thủ tục ly hôn, mức cấp dưỡng trước tiên do vợ chồng thỏa thuận dựa trên năng lực kinh tế thực tế và nhu cầu thiết yếu của con. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở yêu cầu. Tòa án cũng dựa trên các yếu tố trên để đưa ra mức cấp dưỡng hợp lý cho hai bên.
Bài viết liên quan: Thủ tục thuận tình ly hôn
Thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn
Khoản 2 Điều 116 quy định về việc thay đổi mức cấp dưỡng sau khi ly hôn. Theo đó, khi có lý do chính đáng thì mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng trước tiên vẫn do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối với trường hợp của bạn, lý do khả năng kinh tế suy giảm, không đủ năng lực chi trả của bạn được xem là lý do chính đáng. Do vậy, nếu bạn có mong muốn giảm mức cấp dưỡng cho con, trước tiên bạn liên hệ với vợ cũ để thỏa thuận. Trường hợp 2 bạn có thể thông cảm cho nhau, thỏa thuận đạt sẽ là giải pháp tối ưu nhất, vừa dễ dàng thực hiện, không tốn quá nhiều thời gian mà vấn đề lại được giải quyết êm đẹp.
Trong trường hợp vợ cũ của bạn không đồng ý thỏa thuận hoặc không chấp nhận mức cấp dưỡng mà bạn đề xuất, thì bạn được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn.
Từ những phân tích ở trên, chúng tôi tóm tắt lại nội dung tư vấn như sau: Bạn hoàn toàn có thể thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn. Trước tiên, nên tiến hành thỏa thuận với vợ cũ. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì làm đơn yêu cầu Tòa giải quyết.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn. Để được tư vấn chi tiết trong quá trình thực hiện, hãy liên hệ với chúng tôi!
Bài Viết Liên Quan