So sánh tên thương mại và tên doanh nghiệp - Giải Đáp Pháp Luật

So sánh tên thương mại và tên doanh nghiệp

Trong thực tế, rất nhiều người thường có sự nhầm lẫn giữa tên thương mại và tên doanh nghiệp. Vậy hai khái niệm này có gì giống và khác nhau? Bài viết này, Luật Tài Nguyên sẽ giúp bạn so sánh tên thương mại và tên doanh nghiệp.

1. Khái niệm tên thương mại và tên doanh nghiệp

– Tên Thương mại: Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ giải thích: “tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.

Ví dụ: Công ty Luật Tài Nguyên…

 – Tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp là tên gọi của doanh nghiệp được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện. Tên doanh nghiệp là yếu tố phân biệt các doanh nghiệp với nhau trong hoạt động kinh doanh.

Ví dụ: Công ty Luật TNHH Tài Nguyên…

2. Cơ sở pháp lý

– Tên doanh nghiệp là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP…)

– Tên thương mại là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về Sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 103/2006/NĐ-CP…)

3. Thành phần cấu tạo

– Đối với tên doanh nghiệp: Theo quy định tại điều 9 Luật Doanh nghiệp 2014 thì tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt, bao gồm hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được.

– Đối với tên thương mại, theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, tên thương mại là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được, gồm hai thành phần: thành phần mô tả và thành phần phân biệt. Trong đó thành phần phân biệt là bắt buộc, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.

Như vậy, về thành phần cấu tạo, tên thương mại và tên doanh nghiệp có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, nếu như thành tố loại hình doanh nghiệp (Công ty Cổ phần, Công ty TNHH..) luôn phải có trong tên doanh nghiệp thì thông thường ở tên thương mại không xuất hiện yếu tố này, thành phần phân biệt giữ vai trò quan trọng hơn cả.

>>> Bạn nên xem thêm bài viết: Phân biệt nhãn hiệu và tên thương mại

4. Căn cứ xác lập

Tên thương mại:  Tên thương mại là đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tuy vậy, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.

– Tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp được xác lập thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh. Nói cách khác, chỉ khi được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp mới được công nhận. Tên doanh nghiệp không phải đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên cũng không là đối tượng được bảo hộ sở hữu công nghiệp.

5. Phạm vi bảo hộ

– Đối với tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp được bảo hộ trên toàn quốc

– Đối với tên thương mại: Bảo hộ trong lĩnh vực và khu vực kinh doanh. “Khu vực kinh doanh” được hiểu là khu vực địa lý nơi tổ chức, cá nhân có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

            >>> Bạn nên xem thêm bài viết: Bảo hộ tên thương mại

6. Chủ thể

Mọi chủ thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đều có thể sở hữu tên thương mại. Trong khi đó, chỉ có thương nhân mới có thể sở hữu tên doanh nghiệp.

LIÊN HỆ VỚI LUẬT TÀI NGUYÊN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG CÁC DỊCH VỤ!

so sánh tên thương mại và tên doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *