Hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH không? - Giải Đáp Pháp Luật

Hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH không?

Câu hỏi: Công ty chúng tôi đang có kế hoạch tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, trước khi trở thành nhân viên chính thức, chúng tôi muốn người lao động thử việc trước để xem xét năng lực, thái độ làm việc như thế nào? Vậy tôi có một vài thắc mắc về vấn đề này như sau:

  1. Thời gian tối đa thử việc đối với người lao động là bao lâu?
  2. Chúng tôi có được thỏa thuận về mức lương trong thời gian thử việc hay không hay pháp luật có quy định về vấn đề này?/
  3. Có bắt buộc phải giao kết hợp đồng thử việc bằng văn bản hay không?
  4. Hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH không?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật lao động về thử việc như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.”

  1. Thời gian thử việc

Điều 27 Bộ Luật Lao động quy định:

“Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Tùy theo tính chất công việc mà thời gian thử việc sẽ khác nhau nhưng đều không được quá 60 ngày.

       2. Tiền lương trong thời gian thử việc

Điều 28 Bộ Luật Lao động quy định:

“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

Theo đó, 2 bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận về mức lương trong thời gian thử việc nhưng tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc mà người lao động làm trong thời gian thử việc.

       3. Có bắt buộc giao kết hợp đồng bằng văn bản hay không?

Như đã biết, thử việc là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nên không bắt buộc hai bên phải lập hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, về phía người sử dụng lao động bắt buộc phải tuân thủ những quy định của pháp luật về thử việc đã nói ở trên.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn vẫn nên thỏa thuận giao kết hợp đồng thử việc để làm căn cứ giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

      4. Hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH không?

Hợp đồng thử việc và Hợp đồng lao động là 02 loại hợp đồng khác nhau. Pháp luật hiện chỉ quy định những đối tượng làm việc theo các loại HĐLĐ.

Như vậy, người lao động làm việc theo Hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng phải đóng BHXB bắt buộc.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH trước đây có một trường hợp đặc biệt mà người sử dụng lao động và người lao động vẫn có thể phải đóng BHXH cho thời gian thử việc.

Cụ thể, đó là trường hợp người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Khi đó, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ không phải thử việc.
  2. Không thử việc quá 02 lần đối với 01 công việc.
  3. Kết thúc thời gian thử việc mà đạt yêu cầu, người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ với người lao động.
  4. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *